Có một số công ty ở Malaysia có cung cấp EPF cho nhân viên, công ty Mai cũng thế. Sau khi đăng ký xong xuôi EPF thì mình đã tìm hiểu 1 số thông tin về EPF để chia sẻ với mọi người nè. Cụ thể, bài viết này sẽ bao gồm các nội dung sau: EPF là gì? Lợi ích khi đăng ký EPF là gì? Và cách đăng ký EPF ở Malaysia như thế nào?
Ok, let’s get started!!
Xem thêm:
Chi tiết về chi phí sinh hoạt ở Malaysia, mức sống ở Malaysia có đắt không?
Kinh nghiệm du lịch Malacca tự túc từ A-Z giá rẻ
1. EPF là gì?
EPF – employees provident fund – là 1 quỹ lương hưu cho người lao động tại Malaysia. EPF sẽ được đóng bởi cả người lao động và người sử dụng lao động (công ty của mình). Theo đó, công ty sẽ đóng từ 5RM/tháng đối với người nước ngoài (công ty mình thì dóng 13% trên tổng lương – bằng với người bản địa), bạn sẽ đóng 9% trên tổng lương – công ty trừ thẳng vào lương (trước covid, phần đóng góp của người lao động là 11%, nên có thể khi hết covid thì mình sẽ phải đóng 11% hen).
“Tổng lương” ở đây bao gồm các khoản sau: lương cứng, thưởng, phụ cấp ( ví dụ: language allowance), hoa hồng, cả tiền công ty hoàn trả nếu bạn đi khám bệnh (medical leave) nữa nha.
Các khoản không được tính là: service charge (tips), tiền lương làm thêm giờ (kể cả OT ngày lễ/ cuối tuần), khoản bồi thường hợp đồng (nếu công ty sa thải trước khi kết thúc hợp đồng), phụ cấp đi lại, …
Lưu ý:
- EPF là tự nguyện, nên bạn có thể đóng hoặc không, hoặc bạn có thể đăng ký số EPF bất kỳ lúc nào bạn muốn. Ngoài ra, EPF còn có thể đóng theo diện cá nhân, tức là bạn kinh doanh tự do và muốn tự đóng EPF cho mình mà không thông qua công ty nào.
Xem thêm:
Hướng dẫn thuê nhà ở Malaysia từ A-Z, thuê ở đâu, cần lưu ý gì?
Kinh nghiệm du lịch Malacca tự túc từ A-Z giá rẻ
2. Lợi ích khi đăng ký EPF ở Malaysia là gì?
Mỗi tháng bị trừ toi mất 9% thì cũng cắt ruột chứ bộ, nhưng mà nhìn về lâu về dài thì quả là không uổng nha mọi người. Sau đây là 1 số lợi ích mà mình tìm hiểu được nè:
- Được rút hết 100% khi bạn về nước hoặc nếu bạn ở Malaysia luôn (kết hôn với người bản địa) thì có thể nhận lại theo hình thức lương hưu theo tháng kể từ khi bạn đủ 60 tuổi. Hơn nữa, chúng ta còn được nhận lãi cho khoản đóng góp này – khoảng 5%/năm – xấp xỉ lãi ngân hàng. Vậy coi như 1 khoản để dành có sinh lời hen.
- Quyền lợi tử vong – Người thân hoặc người phụ thuộc của bạn có thể được nhận trợ cấp tử vong là 2.500 RM nếu bạn chưa đủ 55 tuổi (tùy thuộc vào sự cân nhắc và các điều kiện khác của EPF).
- Quyền lợi mất khả năng lao động – RM5,000 sẽ được cung cấp cho các thành viên nộp đơn ”Incapacitation Withdrawal” và không thích hợp để làm việc (tùy thuộc vào sự cân nhắc và các điều kiện khác của EPF).
- Miễn thuế – Các khoản đóng góp của bạn được khấu trừ thuế lên đến tối đa là RM6,000 mỗi năm, bao gồm phí bảo hiểm nhân thọ của bạn. Ngoài ra, thu nhập từ cổ tức từ các khoản đầu tư EPF cũng được miễn thuế nha.
3. Cách đăng ký EPF ở Malaysia
Thường thì công ty sẽ thông báo cho bạn về việc đăng ký EPF sau muộn nhất 1 tháng kể từ ngày bạn mới vào làm việc. Những việc bạn cần làm như sau:
Bước 1: Điền đơn KWSP3 và KWSP16B (click để download). Cách điền đơn như trong ảnh nha.
Bước 2: Gửi lại 2 đơn đó cho công ty (bộ phận HR) để họ ký vào phần dưới cùng của form KWSP16B.
Bước 3: Đăng ký lịch hẹn với văn phòng KWSP – nơi để đăng ký số EPF. Bạn có thể vào website hoặc gọi điện vào số điện thoại: 03 – 8922 6000 để đặt lịch hẹn.
Website: KWSP
Ở đây, bạn chọn chi nhánh gần nhất với bạn và chọn lịch hẹn nha.
Bước 4: Sau khi đã đặt được lịch hẹn, sẽ có email gửi về cho bạn nhé. Bạn đợi đến ngày hẹn rồi mang 2 form trên (KWSP3 và KWSP16) và passport đến địa chỉ văn phòng KWSP mà bạn đã đặt lịch (có địa chỉ cụ thể ở email xác nhận). Tới nơi, bạn bảo mình muốn đăng ký số EPF, rồi nhân viên sẽ chỉ cho bạn từ A-Z, bạn chỉ việc ngồi chờ và làm theo hướng dẫn hen.
Lưu ý: trước khi đi bạn nên tải app I-AKAUN về điện thoại, đây là app để mình theo dõi số dư trong tài khoản EPF của mình. Khi đăng nhập app cần 1 số bước xác nhận thông tin, bạn có thể nhờ luôn nhân viên hướng dẫn cho mình cách đăng nhập vào app để về nhà khỏi phải mày mò nha.
Xem thêm:
Hướng dẫn thuê nhà ở Malaysia từ A-Z, thuê ở đâu, cần lưu ý gì?
Chơi gì ở Kuala Lumpur 1 ngày? Kinh nghiệm du lịch Kuala Lumpur tự túc
Trên đây là một số thông tin về EPF bao gồm EPF là gì? Các lợi ích khi đăng ký EPF, và cách đăng ký EPF cho người mới. Hy vọng bài viết này hữu ích với các bạn. Nếu có sự thay đổi gì mới thì bạn comment bên dưới giúp mình để mình cập nhật cho các bạn khác nghen. Cảm ơn mọi người nhiều!
Hi bạn, mình chưa hiểu rõ lắm về quy định rút khoản EPF này. B cho mình hỏi xíu. “Được rút hết 100% khi về nước” nghĩa là chỉ khi nào mình quyết định về VN hẳn không làm ở Malay nữa thì mới được rút hả?
Hi Duc, đúng rồi, khi nào về VN thì mới rút hết dc, hoặc bạn có thể rút 1 phần cho education hoặc khám bệnh ở Malay. lãi 5% mà, mình cứ để như tiết kiệm thôi. với lại tùy công ty nữa, bạn hỏi xem công ty của bạn có đóng 13% EPF cho nhân viên không, nếu đóng mỗi 5RM/tháng thì khỏi đóng luôn cho khỏe nha.